Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Hành trình vào thăm tuyến lửa : NGHĨA TRANG LIỆT SỸ TRƯỜNG SƠN

Theo lịch trình, 12 giờ 30  ngày 23 tháng 7 năm 2016, xe rời Phong Nha- Kẻ Bàng đi về hướng tây bắc vào đường ĐT 20 rồi ra quốc lộ 15 ( Đường Hồ Chí Minh) hướng về nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn ở xã Vĩnh Tường , huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
14 giờ 10, xe dừng trước lối vào khu nhà khánh tiết, đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ tại cổng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn để đoàn vào dâng hoa và thắp hương tri ân.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tập phần mộ các liệt sỹ của quân giải phóng miền nam Việt nam và quân đội nhân dân Việt nam trên tuyến đường Trường Sơn hay còn được gọi với cái tên "đường mòn Hồ Chí Minh". Được tọa lạc trên khu đồi Bến tắt thuộc địa phận xã Vĩnh Tường ,huyện Gio Linh, tỉnh Quảng trị.cạnh đường Quốc lộ 15 cách trung tâm tỉnh lỵ thành phố Đông Hà khoảng 38 km về phía tây bắc, cách Quốc lộ 1A ( đoạn ở thị trấn Gio Linh) chừng 20 Km.
Các ngôi mộ được bắt đầu quy tập tại đây từ cuối năm 1974, nghĩa trang được xây dựng từ ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Đây là nghĩa trang có quy mô lớn nhất Việt nam, có diện tích 140.000m2 nằm trên 5 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải. Nơi ranh giới phân đôi 2 miền Nam - Bắc trong hời kỳ chiến tranh Việt Nam ( Chống Mỹ cứu nước). Khu trung tâm ( Tượng đài rộng 7.000m2) nằm trên một ngọn đồi cao 32,4m,có đài tưởng niệm cao bằng đá trắng rỗng  ruột và khuyết 3 mặt. Bốn khu mộ liệt sỹ ( rộng 23.000m2)được xếp theo tỉnh,thành phố trải trên 5 quả đồi. xen kẽ các khu mộ  là những cánh rừng ( rộng 60.000m2), khu hồ cảnh 35.000m2, mạng đường ô tô rải nhựa 15.000m2, các lối đi được lát đá, gạch, tráng xi măng có hoa nở 2 bên suốt 4 mùa. mỗi khu đều có nhà tưởng niệm với các kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng miền quê Việt nam ( đây là khu an táng của 10.333 anh hùng ,liệt sỹ quân giải phóng miền nam Việt nam và quân đội nhân dân Việt nam). 
Năm 1999 Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn được chính phủ Việt nam quyết định nâng cấp thành nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia và cho tân trang lại khu liệt sỹ ( các phần mộ được chia thành 10 khu vực theo địa phương nơi các liệt sỹ sinh ra và một khu vực cho 68 liệt sỹ khuyết danh. các phần mộ được xây dựng kiên cố có sơ đồ mộ chí và được 24 quản trang trông nom gìn giữ chu đáo). Xây dựng thêm hệ thống tường rào bao quanh, bổ xung mô hình sở chỉ huy, biểu tượng các địa phương, các cụm tượng đài, hệ thống thoát nước, điện nội bộ,nhà khánh tiết và đài tổ quốc ghi công....Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn vô hạn và sự tôn vinh thầm kín của quân và dân ta đối với các anh hùng liệt sỹ nơi đây. Bởi nghĩa trang Liệt sỹ Trường sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sỹ đã hy sinh anh dũng trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống mỹ cứu nước.
Thật lạ cho cả quá trình đi, cũng như lúc đến Truông bồn, trên đường đoàn đi, trời nắng chang chang nhưng khi đoàn đến những nơi thăm viếng các anh hùng liệt sỹ thì trời lại trở nên u ám, dịu mát (như ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường sơn này lúc này còn kèm theo cả mưa nhỏ nữa) làm cho lòng người man mác khôn nguôi. 
14 giờ 30, đoàn làm lễ đặt vòng hoa, dâng hương tại đền thờ Bác Hồ và các anh hùng Liệt sỹ khu nhà khánh tiết ngoài cổng nghĩa trang


Sau lễ đặt vòng hoa,dâng hương, đoàn lên xe vào khu trung tâm dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Hôm nay cũng có nhiều đoàn đến thăm, hoa của các đoàn đến viếng đã được dựng hai bên chân tượng đài.

Cùng với đoàn còn có 2 đoàn cựu chiến binh và một đoàn của doanh nghiệp địa phương cũng đến viếng.
 Sau lễ dâng hương, theo quê quán, mọi người tản ra đi tìm nơi thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ là đồng hương quê mình. Chính vì không lường trước tình huống này mà đoàn suýt vỡ chương trình tiếp theo do nhóm Vĩnh phú về xe muộn. Tôi đến thắp hương khu vực dành cho thành phố Hà nội (bên phải đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ) nhưng vì thấy nhiều người đã thắp nơi đây nên tôi đi qua thắp hương cho khu bên cạnh dành cho tỉnh Hải Hưng và tỉnh Hà Bắc. Nhìn các ngôi mộ thẳng hàng, thẳng lối như ngày hội quân, nhiều quá, đông quá, nghe tiếng chuông ngân mà cảm thấy bùi ngùi, lại chạnh lòng nhớ những lần ghé thăm nghĩa trang Vị Xuyên nơi đồng đội cùng sư đoàn tôi đã nằm xuống nơi đây trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc chống quân Trung quốc xâm lược. Cảm ơn, cảm ơn các Bác, các Chú, các Cô, các Anh, các Chị , những người đồng chí "chung câu quân hành" đã nằm lại nơi đây cho non sông đất nước này liền một giải, cho đất nước này được hòa bình, mãi mãi xanh tươi và đời đời bền vững.






Lên xe rời khỏi nghĩa trang mà lòng lại nhủ lòng: còn sức khỏe ta còn có dịp thăm viếng nơi đây

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Hành trình vào thăm tuyến lửa : TRUÔNG BỒN


Như thường lệ vào tháng 7 hàng năm, Hội cựu chiến binh kết hợp hội phụ nữ tổ 21 tổ chức đi thăm lại các chiến trường xưa.để tri ân các anh hùng liệt sỹ  và để tìm hiểu thêm các địa danh lịch sử. Năm nay ( 2016) hội tổ chức tiếp tục đi về phía nam thăm Truông Bồn và các địa danh lịch sử trong Quảng Trị.
Trong tiếng Nghệ, "Truông" là danh từ để chỉ một đoạn dốc chạy giữa 2 vách núi hiểm trở, Truông Bồn là một đoạn đèo dốc như thế có chiều dài 5km ở độ cao 70m trên dãy núi Thung Nưa( có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển). Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược15A( hay còn gọi là đường 30) chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cũng như ngã ba Đồng Lộc và biết bao địa danh khác, nơi đây đã trở thành địa danh huyền thoại trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang bắn phá ra miền Bắc. Bởi vì Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là tuyến đường độc đạo, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Nơi đây đã trở thành tọa độ lửa, đã ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta.  Đặc biệt là chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sỹ "tiểu đội Thép" ,"tiểu đội cảm tử" thuộc đại đội 317 TNXP , đội 65, Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An trong khi đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông vào hồi 6 giờ 10 phút sáng ngày 31 tháng 10 năm 1968. Để ghi nhận sự cống hiến và hy sinh anh dũng của 1240 anh hùng liệt sỹ trên cung đường huyền thoại Truông Bồn Đảng và nhà nước ta đã công nhận  nơi đây là di tích lịch sử cấp quốc gia ( năm 1996) và cho xây dựng công trình để bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử làm điểm đến tham quan và tri ân các anh hùng liệt sỹ cho lớp lớp con cháu mai sau.
13 giờ 30 chiều ngày 22 tháng 7, Đoàn rời khỏi khách sạn Mường Thanh, Diễn Châu, Nghệ An theo đường Nguyễn Trường Tộ, Đặng Thai Mai ra quốc lộ 46A ngược lên Đô lương theo đường 15 Đến Truông Bồn.. Đâu rồi dấu tích của 18.936 quả bom, hàng chục ngàn quả tên lửa các loại ném xuống mảnh đất này, đâu rồi dấu tích của bom rơi đạn xé tưởng chừng không còn mầm sống nào được mọc lên. Đâu rồi.... và đâu rồi.... Thời gian, sức lực con người và khát vọng sống đã làm mờ đi và có phần lành lại vết thương chiến tranh, Màu xanh của rừng cây đã phủ lên bát ngát các triền đồi nên cần lắm, cần lắm các di tích ghi lại chứng tích chiến tranh để con cháu không bao giờ quên lãng.  Đợt này chúng tôi đến thăm khi khu di tích lịch sử Truông Bồn sắp hoàn thành,con đường vào đang được mở để đón ngày lễ Tri ân vào ngày thương binh liệt sỹ sắp tới
!5 giờ 10, đoàn đến nhà điều hành và đón tiếp khách. Biết đoàn không có thời gian tham quan hết được nên trong khi chờ trưởng đoàn đăng ký lễ viếng và dâng hương các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại nơi đây tôi tranh thủ ra khu quảng trường và thăm nhanh các cụm di tích ở xa mà khả năng đoàn không đến được
 .
Khu di tích lịch sử Truông Bồn được xây dựng bảo tồn và tôn tạo trên diện tích 217.327m2 gồm 21 hạng mục công trình chính trong đó có :
+ Khu mộ, Nhà che mộ 13 anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong ngay tại nơi hầm trú ẩn năm xưa ,nơi 13 anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vào sáng 31 tháng 10 năm 1968 rộng 110m2

+ Nhà tưởng niệm 1240 anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại Truông Bồn : 290m2

+ Tháp chuông, nhà trưng bày truyền thống 942m2, Sân nhà trưng bày truyền thống : 6428m2

+ Hồ điều hòa, cảnh quan môi trường khu di tích : 10588m2
+ Khu đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ :5.500 m2
+Sân lễ hội khu vực quảng trường: 11.300m2
Ngoài ra còn các công trình phụ trợ khác : Chòi nghỉ chân, trụ biểu ghi tên di tích, bức phù điêu ghi danh sách các anh hùng liệt sỹ, 2 nhóm tượng đài, 6 trụ huyền thoại, 03 hố bom nơi hầm trú ẩn gần khu mộ....


Vội vã tham quan, vội vã chụp hình và rồi nhanh chóng trở về đoàn để đặt vòng hoa, dâng hương và nghe cô thuyết minh kể lại sự tích Truông Bồn. Sự tích sự hy sinh anh dũng của 13 anh hùng liệt sỹ tiểu đội thép, tiểu đội cảm tử lúc 6 giờ 10 phút sáng 31 tháng 10 năm 1968 (đây gần như là trận bom cuối cùng trước khi lệnh ngừng ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ có hiệu lực).Trận ném bom này có lẽ nhiều người không phải hy sinh khi họ đã có quyết định ra quân, đi học... từ tối hôm trước nhưng họ vẫn lao ra tuyến đường, lao ra tọa độ lửa không chút băn khoăn, ngại ngần để rồi hy sinh anh dũng, để rồi đám cưới của cô tiểu đội trưởng  tiểu đội 2 Nguyễn thị Tâm ( sinh năm 1946) với anh Cao Ngọc Hòa tiểu đội trưởng tiểu đội 6 (sinh năm 1948) mãi mãi không thành mặc cho 2 họ mỏi mắt chờ trông trong lễ ăn hỏi trong ngày họ hy sinh. Nhiều người đã khóc khi nghe cô hướng dẫn viên đọc bài thơ " về đi Cúc ơi" viết về liệt sỹ Cúc đã hy sinh do bom vùi lấp sau 2 ngày tìm kiếm mới tìm thấy thi thể, cả mười đầu ngón tay đều rớm máu do cào đất đi tìm sự sống.


Sau khi làm lễ đặt vòng hoa tại  mộ 13 anh hùng liệt sỹ và tại  Nhà tưởng niệm 1240 anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại Truông Bồn đoàn tiếp tục lên đường theo kế hoạch mà không còn thời gian đi tham quan tiếp các công trình khác Chiếc xe 50 chỗ chở đoàn  quay lại đường 15, hướng về Hà Tĩnh đi tiếp về phương nam. Kết thúc tốt đẹp điểm đến địa chỉ đỏ đầu tiên của hành trình thăm lại tuyến lửa khu bốn năm xưa, tri ân các anh hùng liệt sỹ - Truông Bồn