Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Tháng Năm này

Tháng năm
Nắng vàng theo cơn gió
Hơi thở "Nàng Bân" qua cửa sổ
Khẽ run.
Tháng năm
Cánh hoa Phượng đã nở bung
Đỏ trời Hoa nắng.
Tháng năm
Tiếng ve kêu trưa vắng
Báo hiệu Mùa Thi.
Bốn mươi năm đã qua đi
Trong Tôi
Còn đây Hoài niệm
về một ngôi trường cũ
Rất xưa...
Tiếng còi tàu văng vẳng ban trưa
Vào ga Xình xịch....
Tiếng bước chân đuổi nhau huỳnh huỵch
Cười đùa, í ới gọi nhau...
Quả cầu chinh "cậu" dấu ở đâu?
Quần Phăng,túi áo?
Những ngày trời xanh tạnh ráo
Đỏ bụi đường đi
Những ngày mưa, trời đất thâm xì
Người, Xe một màu đất đỏ.
Trong những ngày gian khó
Bè bạn có nhau
Mùa thi
"Sơn ăn mặt" bạn bị ở đâu
Đang thi rõ khổ
Đây bài thuốc dân gian mình có
Đắp bạn đỡ sưng....
Những dòng lưu bút rưng rưng
Tuổi trẻ....
Ôi những tháng năm dài như thế
Ai còn.... nhớ ...Ai?
            HN T5/2017

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Hành trình vào tuyến lửa : NGHĨA TRANG LIỆT SỸ ĐƯỜNG 9

 
Rời nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, xe đưa đoàn xuôi theo đường số 9 về thành phố Đông Hà, Quảng trị đến nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9. Đích đến thứ 4 của đoàn trong chuyến đi này.
Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9 được xây dựng trên một vùng đồi rộng 13 ha mặt quay ra đường quốc lộ số 9 trên cơ sở nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ thị xã Đông Hà (được xây dựng năm 1983-1984) vào ngày 2/9/1995 và chính thức khánh thành mang tên "nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9" vào ngày 27/7/1997.Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn các anh hùng liệt sỹ với đầy đủ ba thứ quân : Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và trên đất bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước. Trong những ngày tháng đó, đường số 9 luôn là nơi giữa ta và địch giành giật quyền kiểm soát con đường chiến lược nối liền từ biên giới Viêt - Lào về đến Đông Hà. Dọc trục đường số 9 Mỹ - ngụy đã cho xây nhiều căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt  nhằm cắt đứt sự chi viện của Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam. Chính vì lẽ đó chiến thắng đường 9 đã đi vào huyền thoại  của quân và dân ta là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho Mỹ - ngụy trong những năm 1965-1972 . Một trong những chiến công đó phải nói đến chiến thắng đập tan cuộc hành quân Lam sơn 719 của Mỹ - Ngụy (đổi màu da xác chết).
Nghĩa trang liệt sỹ đường 9  với 16 hạng mục công trình lớn nhỏ trong đó có 2 hạng mục chính là 
Khu hành lễ (gồm :nhà tưởng niệm 90 m2, 2 bức phù điêu,4 cụm tượng).Tượng đài chiến thắng ( cao 18m).
 




Nghĩa trang được chia thành 14 khu vực liên hoàn theo từng địa phương:
Khu 1: Cán bộ lão thành cách mạng, anh hùng quân đôi có:88 phần mộ
Khu 2: Tỉnh Vĩnh Phú ( Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay):332 phần mộ
Khu 3: Tỉnh Thanh Hóa 449 phần mộ   
Khu 4: Tỉnh Quảng Ninh và 6 tỉnh :( Cao, Bắc Lạng, Thái, Tuyên, Hà) :17 phần mộ
Khu 5 Các tỉnh Miền Nam ( từ Đà Nẵng trở vào) 36 phần mộ
Khu 6: Thành phố Hà Nội 135 phần mộ
Khu 7: Tỉnh Thái Bình 321 phần mộ
Khu 8: Tỉnh Hà Bắc145 phần mộ
Khu 9: Tỉnh Hải Hưng ( Hải Dương, Hưng Yên ngày nay)295 phần mộ
Khu 10: Tỉnh Bình Tri Thiên ( Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) 278 phần mộ
Khu 11: Tỉnh Hà Nam Ninh ( Nam Hà, Nam Định, Ninh Bình) 340 phần mộ
Khu 12: Tỉnh Hà Sơn Bình ( Hà Tây, Sơn Tây, Hòa Bình)  252 phần mộ 
Khu 13: Thành phố Hải Phòng144 phần mộ
Khu 14: Tỉnh Nghệ Tĩnh ( Nghệ An, Hà Tĩnh)275 phần mộ
Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9 là một trong những công trình quy mô lớn, đồ sộ mang tính nghệ thuật cao nhằm đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sỹ  đã anh dũng hy sinh trên chiến trường đường 9 và Quảng Trị nói riêng và trên đất bạn lào nói chung.
Thời gian thăm viếng ngắn cho nên đoàn tách ra làm 2. Đa số mọi người tỏa đi thắp hương cho các khu mộ chỉ để lại chừng chục người thay mặt đoàn đặt hương và hoa khu hành lễ. Khi đứng trước tượng đài chiến thắng trong tai tôi vẫn như vẳng nghe những khúc ca chiến thắng năm xưa qua hệ thống loa truyền thanh: " Đồn Tà cơn hôm nào bốc cháy, đồi đống chí xác Mỹ chất đầy, kia trông  một,hai, ba bốn, năm sáu ngàn tên lính thủy đánh bộ mỹ kia đã bỏ xác trên ngàn bộ đội Giải phóng ơi các anh đánh hay hung....) nhưng khi dâng hương tại nhà tưởng niệm, hương, hoa nơi hành lễ và  nhất là khi đứng trước bia mộ của các liệt sỹ nơi đây mà lòng tôi không khỏi cảm thấy  xúc động bùi ngùi
.




Cầu mong các anh hùng liệt sỹ siêu thoát, phù hộ độ trì cho con, cho cháu, cho đất nước này mãi mãi trường tồn, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững..

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Hành trình vào thăm tuyến lửa : NGHĨA TRANG LIỆT SỸ TRƯỜNG SƠN

Theo lịch trình, 12 giờ 30  ngày 23 tháng 7 năm 2016, xe rời Phong Nha- Kẻ Bàng đi về hướng tây bắc vào đường ĐT 20 rồi ra quốc lộ 15 ( Đường Hồ Chí Minh) hướng về nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn ở xã Vĩnh Tường , huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
14 giờ 10, xe dừng trước lối vào khu nhà khánh tiết, đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ tại cổng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn để đoàn vào dâng hoa và thắp hương tri ân.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tập phần mộ các liệt sỹ của quân giải phóng miền nam Việt nam và quân đội nhân dân Việt nam trên tuyến đường Trường Sơn hay còn được gọi với cái tên "đường mòn Hồ Chí Minh". Được tọa lạc trên khu đồi Bến tắt thuộc địa phận xã Vĩnh Tường ,huyện Gio Linh, tỉnh Quảng trị.cạnh đường Quốc lộ 15 cách trung tâm tỉnh lỵ thành phố Đông Hà khoảng 38 km về phía tây bắc, cách Quốc lộ 1A ( đoạn ở thị trấn Gio Linh) chừng 20 Km.
Các ngôi mộ được bắt đầu quy tập tại đây từ cuối năm 1974, nghĩa trang được xây dựng từ ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Đây là nghĩa trang có quy mô lớn nhất Việt nam, có diện tích 140.000m2 nằm trên 5 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải. Nơi ranh giới phân đôi 2 miền Nam - Bắc trong hời kỳ chiến tranh Việt Nam ( Chống Mỹ cứu nước). Khu trung tâm ( Tượng đài rộng 7.000m2) nằm trên một ngọn đồi cao 32,4m,có đài tưởng niệm cao bằng đá trắng rỗng  ruột và khuyết 3 mặt. Bốn khu mộ liệt sỹ ( rộng 23.000m2)được xếp theo tỉnh,thành phố trải trên 5 quả đồi. xen kẽ các khu mộ  là những cánh rừng ( rộng 60.000m2), khu hồ cảnh 35.000m2, mạng đường ô tô rải nhựa 15.000m2, các lối đi được lát đá, gạch, tráng xi măng có hoa nở 2 bên suốt 4 mùa. mỗi khu đều có nhà tưởng niệm với các kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng miền quê Việt nam ( đây là khu an táng của 10.333 anh hùng ,liệt sỹ quân giải phóng miền nam Việt nam và quân đội nhân dân Việt nam). 
Năm 1999 Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn được chính phủ Việt nam quyết định nâng cấp thành nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia và cho tân trang lại khu liệt sỹ ( các phần mộ được chia thành 10 khu vực theo địa phương nơi các liệt sỹ sinh ra và một khu vực cho 68 liệt sỹ khuyết danh. các phần mộ được xây dựng kiên cố có sơ đồ mộ chí và được 24 quản trang trông nom gìn giữ chu đáo). Xây dựng thêm hệ thống tường rào bao quanh, bổ xung mô hình sở chỉ huy, biểu tượng các địa phương, các cụm tượng đài, hệ thống thoát nước, điện nội bộ,nhà khánh tiết và đài tổ quốc ghi công....Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn vô hạn và sự tôn vinh thầm kín của quân và dân ta đối với các anh hùng liệt sỹ nơi đây. Bởi nghĩa trang Liệt sỹ Trường sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sỹ đã hy sinh anh dũng trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống mỹ cứu nước.
Thật lạ cho cả quá trình đi, cũng như lúc đến Truông bồn, trên đường đoàn đi, trời nắng chang chang nhưng khi đoàn đến những nơi thăm viếng các anh hùng liệt sỹ thì trời lại trở nên u ám, dịu mát (như ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường sơn này lúc này còn kèm theo cả mưa nhỏ nữa) làm cho lòng người man mác khôn nguôi. 
14 giờ 30, đoàn làm lễ đặt vòng hoa, dâng hương tại đền thờ Bác Hồ và các anh hùng Liệt sỹ khu nhà khánh tiết ngoài cổng nghĩa trang


Sau lễ đặt vòng hoa,dâng hương, đoàn lên xe vào khu trung tâm dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Hôm nay cũng có nhiều đoàn đến thăm, hoa của các đoàn đến viếng đã được dựng hai bên chân tượng đài.

Cùng với đoàn còn có 2 đoàn cựu chiến binh và một đoàn của doanh nghiệp địa phương cũng đến viếng.
 Sau lễ dâng hương, theo quê quán, mọi người tản ra đi tìm nơi thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ là đồng hương quê mình. Chính vì không lường trước tình huống này mà đoàn suýt vỡ chương trình tiếp theo do nhóm Vĩnh phú về xe muộn. Tôi đến thắp hương khu vực dành cho thành phố Hà nội (bên phải đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ) nhưng vì thấy nhiều người đã thắp nơi đây nên tôi đi qua thắp hương cho khu bên cạnh dành cho tỉnh Hải Hưng và tỉnh Hà Bắc. Nhìn các ngôi mộ thẳng hàng, thẳng lối như ngày hội quân, nhiều quá, đông quá, nghe tiếng chuông ngân mà cảm thấy bùi ngùi, lại chạnh lòng nhớ những lần ghé thăm nghĩa trang Vị Xuyên nơi đồng đội cùng sư đoàn tôi đã nằm xuống nơi đây trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc chống quân Trung quốc xâm lược. Cảm ơn, cảm ơn các Bác, các Chú, các Cô, các Anh, các Chị , những người đồng chí "chung câu quân hành" đã nằm lại nơi đây cho non sông đất nước này liền một giải, cho đất nước này được hòa bình, mãi mãi xanh tươi và đời đời bền vững.






Lên xe rời khỏi nghĩa trang mà lòng lại nhủ lòng: còn sức khỏe ta còn có dịp thăm viếng nơi đây