Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Đất Tuyên Quang và Người "Thầy" đầu tiên


 Tháng 8 năm 1965 do đế quốc Mỹ leo thang ném bom phá hoại ra Miền Bắc nên chúng tôi rời trường ĐH Kinh tế kế hoạch ở ngã tư vọng Hà Nội sơ tán lên Nhà trẻ nhà máy Z2 tại Chí Đám, Đoan Hùng, Phú Thọ. Vì còn nhỏ  (mới lên năm, lên sáu) nên ký ức về thời gian này của tôi cũng nhạt nhòa theo thời gian. Trong kí ức của tôi chỉ còn loáng thoáng như một giấc mơ, chợt ẩn, chợt hiện cảnh tượng sinh hoạt tại nhà trẻ, cảnh lũ trẻ chúng tôi từng tốp trốn đi chơi, theo nhau đi kiếm hoa quả để ăn tại các vườn bỏ hoang, nào: ổi, bưởi, sim, mua, kể cả ngắt hoa dong riềng ( Cây cho củ hoàng tinh) màu đỏ hút lấy chút ngòn ngọt ở cuối cuộng hoa miễn sao no bụng và thỏa mãn trò nghịch ngợm của lũ trẻ. Cảnh chủ nhật cuối tuần mong ngóng bố mẹ lên thăm để có chút quà cho dù không thường xuyên, nhiều khi thấy tủi thân vì bạn có bố mẹ lên thăm cho quà mà mình thì không có. Chúng tôi đã qua mùa đông đầu tiên năm1965 rét mướt ở Chí Đám bằng  đốt củi để sưởi và 2 chiếc chiếu đôi đắp thay chăn.
Sang năm 1966 chúng tôi chuyển sang Đội Bình thuộc huyện Yên Sơn, Tuyên quang vào một ngày trời mưa nhỏ hạt. Trên trời có tiếng ù ù của máy bay sau đó là 2 tiếng uỳnh uỳnh  như sấm nhưng không thấy ánh chớp  nên  chúng tôi mới bảo nhau " trời mưa máy bay ướt cánh thì làm sao mà bay thả bom được". Thật là ấu trĩ của trẻ con. Ngày hôm sau nghe người  lớn kể chuyện mới biết là máy bay Mỹ ném bom xuống khu vực nhà máy Z2 thật.
Những ngày đầu tiên chuyển sang Đội Bình, chúng tôi ở nhờ nhà một công nhân nông trường chè Tuyên Quang giữa đồi chè bát ngát. Sau nhiều lần di chuyển, rồi chúng tôi cũng có nhà riêng. Đó làm ngôi nhà nhỏ trên một quả đồi thấp, ở quả đồi phía đằng sau là nhà cô chú Phúc - Hoàn,  quả đồi bên cạnh là của Bác Quỳ có chị Nga sau này là công nhân quốc phòng  nhà máy X10 (ở Phủ lỗ,Sóc Sơn nơi bố tôi đã xin cho chị vào).Hai gia đình là dân dưới xuôi lên khai hoang Tại nơi đây chúng tôi biết thế nào là đi phát nương trồng sắn, trồng rau, trồng mía, đào giếng lấy nước ăn. Biết vào rừng lấy măng, hái nấm. Biết lấy hoa quả rừng về ăn như Sim, Mua, Hạt gắm, quả bứa,dâu da đất... nhất là mùa sim, ngon thì có ngon, ngọt thì có ngọt. ăn tím cả môi nhưng lúc đại tiện thì thật khổ( Tất nhiên thời gian này tôi chỉ đi theo các anh mà không làm được gì). Ở đây chúng tôi cũng được ăn đặc sản rừng , Xem nuôi tằm và ăn nhộng tằm ăn lá sắn to bằng ngón tay út người lớn, nhìn  tằm kéo kén và con ngài hóa bướm, ăn sáp và mật ong nuôi và mật ong rừng. Chúng tôi đã biết thế nào là mùa lũ rừng về nước suối dâng cao  đi qua suối phải bằng bè mảng. không lội bộ qua suối được.
Tháng 9 năm 1966 tôi bắt đầu đi học lớp vỡ lòng. Cả bản có một lớp gần chục học sinh. Lớp học bằng tranh tre, nứa lá do bản dựng đầu tiên ở đầu bản sau đó bản bị ném bom nên lớp chuyển vào trong rừng bên bờ suối. Người thầy đầu tiên của tôi là cô giáo Nghề, đôi khi cô bận hoặc ốm thì chồng cô- thầy Bình dạy thay. Cô và thầy không có sách dạy vỡ lòng như dưới xuôi nên dạy theo kiểu biết chữ nào dạy chữ đấy. Được gần nửa học kỳ I bố tôi mới mua ở Hà Nội lên cho tôi quyển sách học vỡ lòng cùng quyển tập tô với cái bút chì nửa xanh đỏ của Hồng Hà. Lớp hoc từ đấy mới có sách chuẩn để theo. Rồi thời gian học vỡ lòng cũng trôi qua. Cuối tháng 4 năm 1967, chúng tôi có kỳ thi vào lớp 1 ở trường ngoài xã cách nơi tôi ở gần 4 km. Buổi sáng đi thi, cô Nghề cho tập chung học sinh ở nhà một bạn cách nhà tôi nửa cây số ( cách 2 quả đồi).Khi tập trung cô hỏi tôi có mang theo quyển sách học vỡ lòng không, tôi bảo em để quên ở nhà vì vội đi do sáng dậy muộn. Cô nói: em về lấy sách mang đi, cô và các bạn sẽ đợi em. Nghe lời cô, tôi vội vắt chân lên cổ chạy về lấy được quyển sách mang ra đến nơi thì cô và các bạn đi mất rồi vì chờ lâu quá. Đang loay hoay không biết đi hướng nào thì thấy bạn Xuân (con gái) đến muộn đang khóc vì không thấy cô và các bạn đâu. Không biết hồi đấy tôi đột nhiên ga lăng thế nào mà dỗ giành bạn Xuân thôi khóc rồi cả 2 đưa tìm hỏi đường đến điểm thi. Tôi và Xuân đến điểm thi khi gần hết giờ, cũng may kịp thời gian nên tôi đã thi và đỗ vào lớp1.( sau này cô Nghề kể chuyện này với bố mẹ tôi nên các anh tôi cứ trêu tôi suốt) 
  Rời lớp học vỡ lòng của Thầy Bình, Cô Nghề tôi vào học lớp 1 chừng được 2 tháng, tôi mới biết cách chạy ra giao thông hào,vào hầm khi báo động có máy bay đến, mới biết các câu đồng giao quoái quỷ của lũ học trò với câu : "A,B, C lợn xề bánh đúc, A,C úc là......ôm,  A,C ôm là...  ái"  thì chúng tôi lại tạm biệt Tuyên Quang chuyển về xã Đông Xuân, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phú ( nay là xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để học tiếp lớp 1 ở đây.
Từ đó đến nay vì nhiều lý do tôi chưa một lần quay về nơi sơ tán, nơi tôi học vỡ lòng để gặp lại Thầy Bình, Cô Nghề ( nếu còn thì Thầy Cô đang ở độ tuổi trên dưới 80), những người thầy đầu tiên đã dạy tôi cách đánh vần và viết những nét chữ đầu đời, là điểm khởi đầu cho tôi được như này hôm nay. Tôi có hỏi thăm thầy cô qua chị Nga nhưng do lấy chồng ở X10 lâu không về trên nhà bố mẹ nên cũng không có thông tin gì.
 Hôm nay nhân ngày 20 tháng 11, ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam , tôi viết đôi dòng những kí ức còn đọng lại gợi nhớ chuyện ngày xưa, Một thời nghèo khó (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) nhưng tình thầy trò thật sâu đậm.Đồng thời để cảm ơn Thầy Bình Cô Nghề, những  thầy cô giáo vùng cao, những người đã đem hết tuổi trẻ nhiệt tình, làm hết sức mình vì học sinh thân yêu . những người đi gieo chữ và mang ánh sáng văn hóa tới từng bản làng. Xin Cảm Ơn và Xin Chúc Mừng Thầy Bình, Cô Nghề nhân ngày nhà giáo Việt Nam.