Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Hành trình vào tuyến lửa : NGHĨA TRANG LIỆT SỸ ĐƯỜNG 9

 
Rời nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, xe đưa đoàn xuôi theo đường số 9 về thành phố Đông Hà, Quảng trị đến nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9. Đích đến thứ 4 của đoàn trong chuyến đi này.
Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9 được xây dựng trên một vùng đồi rộng 13 ha mặt quay ra đường quốc lộ số 9 trên cơ sở nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ thị xã Đông Hà (được xây dựng năm 1983-1984) vào ngày 2/9/1995 và chính thức khánh thành mang tên "nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9" vào ngày 27/7/1997.Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1 vạn các anh hùng liệt sỹ với đầy đủ ba thứ quân : Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận đường 9 và trên đất bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước. Trong những ngày tháng đó, đường số 9 luôn là nơi giữa ta và địch giành giật quyền kiểm soát con đường chiến lược nối liền từ biên giới Viêt - Lào về đến Đông Hà. Dọc trục đường số 9 Mỹ - ngụy đã cho xây nhiều căn cứ quân sự, các cứ điểm và lô cốt  nhằm cắt đứt sự chi viện của Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam. Chính vì lẽ đó chiến thắng đường 9 đã đi vào huyền thoại  của quân và dân ta là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho Mỹ - ngụy trong những năm 1965-1972 . Một trong những chiến công đó phải nói đến chiến thắng đập tan cuộc hành quân Lam sơn 719 của Mỹ - Ngụy (đổi màu da xác chết).
Nghĩa trang liệt sỹ đường 9  với 16 hạng mục công trình lớn nhỏ trong đó có 2 hạng mục chính là 
Khu hành lễ (gồm :nhà tưởng niệm 90 m2, 2 bức phù điêu,4 cụm tượng).Tượng đài chiến thắng ( cao 18m).
 




Nghĩa trang được chia thành 14 khu vực liên hoàn theo từng địa phương:
Khu 1: Cán bộ lão thành cách mạng, anh hùng quân đôi có:88 phần mộ
Khu 2: Tỉnh Vĩnh Phú ( Vĩnh Phúc, Phú Thọ ngày nay):332 phần mộ
Khu 3: Tỉnh Thanh Hóa 449 phần mộ   
Khu 4: Tỉnh Quảng Ninh và 6 tỉnh :( Cao, Bắc Lạng, Thái, Tuyên, Hà) :17 phần mộ
Khu 5 Các tỉnh Miền Nam ( từ Đà Nẵng trở vào) 36 phần mộ
Khu 6: Thành phố Hà Nội 135 phần mộ
Khu 7: Tỉnh Thái Bình 321 phần mộ
Khu 8: Tỉnh Hà Bắc145 phần mộ
Khu 9: Tỉnh Hải Hưng ( Hải Dương, Hưng Yên ngày nay)295 phần mộ
Khu 10: Tỉnh Bình Tri Thiên ( Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) 278 phần mộ
Khu 11: Tỉnh Hà Nam Ninh ( Nam Hà, Nam Định, Ninh Bình) 340 phần mộ
Khu 12: Tỉnh Hà Sơn Bình ( Hà Tây, Sơn Tây, Hòa Bình)  252 phần mộ 
Khu 13: Thành phố Hải Phòng144 phần mộ
Khu 14: Tỉnh Nghệ Tĩnh ( Nghệ An, Hà Tĩnh)275 phần mộ
Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia đường 9 là một trong những công trình quy mô lớn, đồ sộ mang tính nghệ thuật cao nhằm đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sỹ  đã anh dũng hy sinh trên chiến trường đường 9 và Quảng Trị nói riêng và trên đất bạn lào nói chung.
Thời gian thăm viếng ngắn cho nên đoàn tách ra làm 2. Đa số mọi người tỏa đi thắp hương cho các khu mộ chỉ để lại chừng chục người thay mặt đoàn đặt hương và hoa khu hành lễ. Khi đứng trước tượng đài chiến thắng trong tai tôi vẫn như vẳng nghe những khúc ca chiến thắng năm xưa qua hệ thống loa truyền thanh: " Đồn Tà cơn hôm nào bốc cháy, đồi đống chí xác Mỹ chất đầy, kia trông  một,hai, ba bốn, năm sáu ngàn tên lính thủy đánh bộ mỹ kia đã bỏ xác trên ngàn bộ đội Giải phóng ơi các anh đánh hay hung....) nhưng khi dâng hương tại nhà tưởng niệm, hương, hoa nơi hành lễ và  nhất là khi đứng trước bia mộ của các liệt sỹ nơi đây mà lòng tôi không khỏi cảm thấy  xúc động bùi ngùi
.




Cầu mong các anh hùng liệt sỹ siêu thoát, phù hộ độ trì cho con, cho cháu, cho đất nước này mãi mãi trường tồn, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững..

Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Hành trình vào thăm tuyến lửa : NGHĨA TRANG LIỆT SỸ TRƯỜNG SƠN

Theo lịch trình, 12 giờ 30  ngày 23 tháng 7 năm 2016, xe rời Phong Nha- Kẻ Bàng đi về hướng tây bắc vào đường ĐT 20 rồi ra quốc lộ 15 ( Đường Hồ Chí Minh) hướng về nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn ở xã Vĩnh Tường , huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.
14 giờ 10, xe dừng trước lối vào khu nhà khánh tiết, đền thờ chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sỹ tại cổng nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn để đoàn vào dâng hoa và thắp hương tri ân.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tập phần mộ các liệt sỹ của quân giải phóng miền nam Việt nam và quân đội nhân dân Việt nam trên tuyến đường Trường Sơn hay còn được gọi với cái tên "đường mòn Hồ Chí Minh". Được tọa lạc trên khu đồi Bến tắt thuộc địa phận xã Vĩnh Tường ,huyện Gio Linh, tỉnh Quảng trị.cạnh đường Quốc lộ 15 cách trung tâm tỉnh lỵ thành phố Đông Hà khoảng 38 km về phía tây bắc, cách Quốc lộ 1A ( đoạn ở thị trấn Gio Linh) chừng 20 Km.
Các ngôi mộ được bắt đầu quy tập tại đây từ cuối năm 1974, nghĩa trang được xây dựng từ ngày 24/10/1975 và hoàn thành vào ngày 10/4/1977. Đây là nghĩa trang có quy mô lớn nhất Việt nam, có diện tích 140.000m2 nằm trên 5 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải. Nơi ranh giới phân đôi 2 miền Nam - Bắc trong hời kỳ chiến tranh Việt Nam ( Chống Mỹ cứu nước). Khu trung tâm ( Tượng đài rộng 7.000m2) nằm trên một ngọn đồi cao 32,4m,có đài tưởng niệm cao bằng đá trắng rỗng  ruột và khuyết 3 mặt. Bốn khu mộ liệt sỹ ( rộng 23.000m2)được xếp theo tỉnh,thành phố trải trên 5 quả đồi. xen kẽ các khu mộ  là những cánh rừng ( rộng 60.000m2), khu hồ cảnh 35.000m2, mạng đường ô tô rải nhựa 15.000m2, các lối đi được lát đá, gạch, tráng xi măng có hoa nở 2 bên suốt 4 mùa. mỗi khu đều có nhà tưởng niệm với các kiến trúc phảng phất hình ảnh các vùng miền quê Việt nam ( đây là khu an táng của 10.333 anh hùng ,liệt sỹ quân giải phóng miền nam Việt nam và quân đội nhân dân Việt nam). 
Năm 1999 Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn được chính phủ Việt nam quyết định nâng cấp thành nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia và cho tân trang lại khu liệt sỹ ( các phần mộ được chia thành 10 khu vực theo địa phương nơi các liệt sỹ sinh ra và một khu vực cho 68 liệt sỹ khuyết danh. các phần mộ được xây dựng kiên cố có sơ đồ mộ chí và được 24 quản trang trông nom gìn giữ chu đáo). Xây dựng thêm hệ thống tường rào bao quanh, bổ xung mô hình sở chỉ huy, biểu tượng các địa phương, các cụm tượng đài, hệ thống thoát nước, điện nội bộ,nhà khánh tiết và đài tổ quốc ghi công....Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn vô hạn và sự tôn vinh thầm kín của quân và dân ta đối với các anh hùng liệt sỹ nơi đây. Bởi nghĩa trang Liệt sỹ Trường sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sỹ đã hy sinh anh dũng trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống mỹ cứu nước.
Thật lạ cho cả quá trình đi, cũng như lúc đến Truông bồn, trên đường đoàn đi, trời nắng chang chang nhưng khi đoàn đến những nơi thăm viếng các anh hùng liệt sỹ thì trời lại trở nên u ám, dịu mát (như ở Nghĩa trang liệt sỹ Trường sơn này lúc này còn kèm theo cả mưa nhỏ nữa) làm cho lòng người man mác khôn nguôi. 
14 giờ 30, đoàn làm lễ đặt vòng hoa, dâng hương tại đền thờ Bác Hồ và các anh hùng Liệt sỹ khu nhà khánh tiết ngoài cổng nghĩa trang


Sau lễ đặt vòng hoa,dâng hương, đoàn lên xe vào khu trung tâm dâng hương tại đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.
Hôm nay cũng có nhiều đoàn đến thăm, hoa của các đoàn đến viếng đã được dựng hai bên chân tượng đài.

Cùng với đoàn còn có 2 đoàn cựu chiến binh và một đoàn của doanh nghiệp địa phương cũng đến viếng.
 Sau lễ dâng hương, theo quê quán, mọi người tản ra đi tìm nơi thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ là đồng hương quê mình. Chính vì không lường trước tình huống này mà đoàn suýt vỡ chương trình tiếp theo do nhóm Vĩnh phú về xe muộn. Tôi đến thắp hương khu vực dành cho thành phố Hà nội (bên phải đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ) nhưng vì thấy nhiều người đã thắp nơi đây nên tôi đi qua thắp hương cho khu bên cạnh dành cho tỉnh Hải Hưng và tỉnh Hà Bắc. Nhìn các ngôi mộ thẳng hàng, thẳng lối như ngày hội quân, nhiều quá, đông quá, nghe tiếng chuông ngân mà cảm thấy bùi ngùi, lại chạnh lòng nhớ những lần ghé thăm nghĩa trang Vị Xuyên nơi đồng đội cùng sư đoàn tôi đã nằm xuống nơi đây trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc chống quân Trung quốc xâm lược. Cảm ơn, cảm ơn các Bác, các Chú, các Cô, các Anh, các Chị , những người đồng chí "chung câu quân hành" đã nằm lại nơi đây cho non sông đất nước này liền một giải, cho đất nước này được hòa bình, mãi mãi xanh tươi và đời đời bền vững.






Lên xe rời khỏi nghĩa trang mà lòng lại nhủ lòng: còn sức khỏe ta còn có dịp thăm viếng nơi đây

Thứ Ba, 23 tháng 8, 2016

Hành trình vào thăm tuyến lửa : TRUÔNG BỒN


Như thường lệ vào tháng 7 hàng năm, Hội cựu chiến binh kết hợp hội phụ nữ tổ 21 tổ chức đi thăm lại các chiến trường xưa.để tri ân các anh hùng liệt sỹ  và để tìm hiểu thêm các địa danh lịch sử. Năm nay ( 2016) hội tổ chức tiếp tục đi về phía nam thăm Truông Bồn và các địa danh lịch sử trong Quảng Trị.
Trong tiếng Nghệ, "Truông" là danh từ để chỉ một đoạn dốc chạy giữa 2 vách núi hiểm trở, Truông Bồn là một đoạn đèo dốc như thế có chiều dài 5km ở độ cao 70m trên dãy núi Thung Nưa( có đỉnh cao nhất là 450m so với mực nước biển). Truông Bồn nằm trên tuyến đường chiến lược15A( hay còn gọi là đường 30) chạy qua địa phận xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Cũng như ngã ba Đồng Lộc và biết bao địa danh khác, nơi đây đã trở thành địa danh huyền thoại trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ leo thang bắn phá ra miền Bắc. Bởi vì Truông Bồn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là tuyến đường độc đạo, nơi kết nối các huyết mạch giao thông từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Nơi đây đã trở thành tọa độ lửa, đã ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta.  Đặc biệt là chiến công và sự hy sinh oanh liệt của 13 chiến sỹ "tiểu đội Thép" ,"tiểu đội cảm tử" thuộc đại đội 317 TNXP , đội 65, Tổng đội thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An trong khi đang làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông vào hồi 6 giờ 10 phút sáng ngày 31 tháng 10 năm 1968. Để ghi nhận sự cống hiến và hy sinh anh dũng của 1240 anh hùng liệt sỹ trên cung đường huyền thoại Truông Bồn Đảng và nhà nước ta đã công nhận  nơi đây là di tích lịch sử cấp quốc gia ( năm 1996) và cho xây dựng công trình để bảo tồn, tôn tạo khu di tích lịch sử làm điểm đến tham quan và tri ân các anh hùng liệt sỹ cho lớp lớp con cháu mai sau.
13 giờ 30 chiều ngày 22 tháng 7, Đoàn rời khỏi khách sạn Mường Thanh, Diễn Châu, Nghệ An theo đường Nguyễn Trường Tộ, Đặng Thai Mai ra quốc lộ 46A ngược lên Đô lương theo đường 15 Đến Truông Bồn.. Đâu rồi dấu tích của 18.936 quả bom, hàng chục ngàn quả tên lửa các loại ném xuống mảnh đất này, đâu rồi dấu tích của bom rơi đạn xé tưởng chừng không còn mầm sống nào được mọc lên. Đâu rồi.... và đâu rồi.... Thời gian, sức lực con người và khát vọng sống đã làm mờ đi và có phần lành lại vết thương chiến tranh, Màu xanh của rừng cây đã phủ lên bát ngát các triền đồi nên cần lắm, cần lắm các di tích ghi lại chứng tích chiến tranh để con cháu không bao giờ quên lãng.  Đợt này chúng tôi đến thăm khi khu di tích lịch sử Truông Bồn sắp hoàn thành,con đường vào đang được mở để đón ngày lễ Tri ân vào ngày thương binh liệt sỹ sắp tới
!5 giờ 10, đoàn đến nhà điều hành và đón tiếp khách. Biết đoàn không có thời gian tham quan hết được nên trong khi chờ trưởng đoàn đăng ký lễ viếng và dâng hương các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại nơi đây tôi tranh thủ ra khu quảng trường và thăm nhanh các cụm di tích ở xa mà khả năng đoàn không đến được
 .
Khu di tích lịch sử Truông Bồn được xây dựng bảo tồn và tôn tạo trên diện tích 217.327m2 gồm 21 hạng mục công trình chính trong đó có :
+ Khu mộ, Nhà che mộ 13 anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong ngay tại nơi hầm trú ẩn năm xưa ,nơi 13 anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vào sáng 31 tháng 10 năm 1968 rộng 110m2

+ Nhà tưởng niệm 1240 anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại Truông Bồn : 290m2

+ Tháp chuông, nhà trưng bày truyền thống 942m2, Sân nhà trưng bày truyền thống : 6428m2

+ Hồ điều hòa, cảnh quan môi trường khu di tích : 10588m2
+ Khu đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ :5.500 m2
+Sân lễ hội khu vực quảng trường: 11.300m2
Ngoài ra còn các công trình phụ trợ khác : Chòi nghỉ chân, trụ biểu ghi tên di tích, bức phù điêu ghi danh sách các anh hùng liệt sỹ, 2 nhóm tượng đài, 6 trụ huyền thoại, 03 hố bom nơi hầm trú ẩn gần khu mộ....


Vội vã tham quan, vội vã chụp hình và rồi nhanh chóng trở về đoàn để đặt vòng hoa, dâng hương và nghe cô thuyết minh kể lại sự tích Truông Bồn. Sự tích sự hy sinh anh dũng của 13 anh hùng liệt sỹ tiểu đội thép, tiểu đội cảm tử lúc 6 giờ 10 phút sáng 31 tháng 10 năm 1968 (đây gần như là trận bom cuối cùng trước khi lệnh ngừng ném bom phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ có hiệu lực).Trận ném bom này có lẽ nhiều người không phải hy sinh khi họ đã có quyết định ra quân, đi học... từ tối hôm trước nhưng họ vẫn lao ra tuyến đường, lao ra tọa độ lửa không chút băn khoăn, ngại ngần để rồi hy sinh anh dũng, để rồi đám cưới của cô tiểu đội trưởng  tiểu đội 2 Nguyễn thị Tâm ( sinh năm 1946) với anh Cao Ngọc Hòa tiểu đội trưởng tiểu đội 6 (sinh năm 1948) mãi mãi không thành mặc cho 2 họ mỏi mắt chờ trông trong lễ ăn hỏi trong ngày họ hy sinh. Nhiều người đã khóc khi nghe cô hướng dẫn viên đọc bài thơ " về đi Cúc ơi" viết về liệt sỹ Cúc đã hy sinh do bom vùi lấp sau 2 ngày tìm kiếm mới tìm thấy thi thể, cả mười đầu ngón tay đều rớm máu do cào đất đi tìm sự sống.


Sau khi làm lễ đặt vòng hoa tại  mộ 13 anh hùng liệt sỹ và tại  Nhà tưởng niệm 1240 anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh tại Truông Bồn đoàn tiếp tục lên đường theo kế hoạch mà không còn thời gian đi tham quan tiếp các công trình khác Chiếc xe 50 chỗ chở đoàn  quay lại đường 15, hướng về Hà Tĩnh đi tiếp về phương nam. Kết thúc tốt đẹp điểm đến địa chỉ đỏ đầu tiên của hành trình thăm lại tuyến lửa khu bốn năm xưa, tri ân các anh hùng liệt sỹ - Truông Bồn  






     

Thứ Hai, 14 tháng 3, 2016

Trở lại HÀ GIANG đi trên con đường HẠNH PHÚC (2)

Phần II : TỪ LŨNG CÚ đến MÈO VẠC về HÀ GIANG trở lại  HÀ NỘI.

15 giờ 20 phút tôi rời cột cờ Lũng Cú xuống bãi giữ xe nơi điểm đón du khách lên thăm quan . Vào thăm gian hàng bán và giới thiệu sản phẩm địa phương, thật bất ngờ được cầm trên tay những hạt Tam giác mạch để rồi nhớ tới hương vị sản phẩm bánh rán Tam giác mạch vừa thưởng thức trưa nay tại Sà phìn.

Hạt Tam giác mạch
15 giờ 40,đoàn xe bắt đầu rời Lũng cú, qua xã Ma lé hướng về thị trấn Đồng văn. 16 giờ 47 phút xe qua thị trấn Đồng văn mà không dừng lại(thật tiếc không được chơi và thưởng thức cà phê phố cổ Đồng văn như anh bạn đi trước đã dặn lại). Qua thị trấn, xe bắt đầu leo dốc vượt đỉnh Mã pí lèng, một địa danh gai góc mà ngày xưa cả con đường Hạnh Phúc ( từ Hà giang đi Đồng Văn, Mèo Vạc) thi công mất 6 năm( từ 1959 đến 1965) thì riêng nơi đây đã mất 11 tháng. Địa danh này cũng được đặt tên cho một loại rượu đặc sản vùng núi cao này ( Rượu Mã Pí Lèng. Năm 2015 chúng tôi được thưởng thức món quà này do đoàn cán bộ UBND huyện Vị xuyên về tặng nhân  gặp mặt các cựu binh sư đoàn tại Hải phòng).

  Qua hồ treo Pải Lủng chừng 2 phút, 17 giờ 13 phút đoàn xe dừng lại trạm nghỉ chân trên đỉnh Mã Pí Lèng để ngắm cảnh hùng vĩ của dòng sông Nho Quế và những dãy núi non hiểm trở nơi đây. Mùa này không phải mùa hoa Tam giác mạch nhưng vẫn còn đó biển chỉ dẫn lối xuống ngắm hoa. Nơi đây còn tấm biển ghi tên và giới thiệu về con đường Hạnh Phúc, nơi lưu giữ mô hình mẫu tượng đài để  khách du lịch tham quan và chiêm ngưỡng . Ngắm cảnh đẹp hùng vĩ nơi đây bạn tôi nói : Chẳng cần đi đâu xa ra nước ngoài ngắm cảnh làm gì cho tốn tiền. Nếu nơi đây đầu tư du lịch tốt và bài bản thì nhiều nơi ở nước ngoài không đẹp bằng.






 sườn núi trồng hoa Tam giác mạch

 17 giờ 34 phút, xe rời trạm dừng  chân trên đỉnh Mã Pí Lèng xuôi về thị trấn Mèo Vạc. 18 giờ 05 phút, xe đến thị trấn Mèo Vạc và dừng tại nhà nghỉ Mai Đào. Mọi người xuống xe và có hơn một tiếng đồng hồ để nhận phòng, tắm rửa và sửa soạn trước khi đi ăn cơm.

 19 giờ 30 phút tối, cả đoàn đi bộ đến nhà nghỉ cộng đồng dân tộc người Lô Lô. Đây là nếp nhà sàn xinh xắn, là nơi sinh hoạt cộng đồng của bản dân tộc người Lô Lô ngay trong huyện lỵ . Ngay cổng vào bản là trường PTTH nội trú huyện Mèo Vạc. Tại đây tôi được thưởng thức lại món mèn mén ăn với canh đậu phụ nấu chua và sau đó được  nghe  các nghệ nhân và các cô gái mang đậm bản sắc dân tộc người Lô Lô múa hát. Đến 22 giờ, đoàn chia tay với đội văn nghệ bản sở tại về nghỉ để có sức cho hành trình ngày hôm sau.







Điệu nhảy kéo nhị và nhảy sạp dân tộc Lô Lô
6 giờ sáng ngày mùng 6 tháng 3, chẳng ai bảo ai, mọi người đã xuống dưới sảnh làm thủ tục trả phòng (mặc dù có hẹn là 7 giờ mới tập trung để xe đưa mọi người đi ăn sáng). Tranh thủ lúc chờ đợi, từng nhóm bảo nhau ra chợ trung tâm thị trấn xem có gì mua không ( ở phố ngay sau nơi đoàn ở). Lúc này còn sớm, chợ chưa đông, hàng hóa mới đang được bày ra. Đi một lúc mọi người lại tụ về nhà nghỉ để đi ăn sáng. Ăn xong để chiều theo yêu cầu của nhiều chị em, trưởng đoàn quyết định cho mọi người thêm 40 phút để đi chợ. Lúc này chợ đã đông, ngoài đường ven chợ mọi người đã chen nhau. Chỗ thì bán gùi, nơi bán rau, củ , quả, nơi bán gia cầm gia súc, nơi bán nông cụ ( lưỡi cày, bình phun thuốc trừ sâu...) hàng hóa điện tử hàng Trung quốc......nhưng ấn tượng nhất vẫn là nơi bán rượu. Ở đây các can rượu 20 lít được xếp thành dãy và chủ yếu do chị em bán. Nếu chỉ uống thử mỗi can một chút rượu của mỗi người bán hàng thôi thì có lẽ các con "sâu rượu" cũng đã ngà ngà say mất rồi. Gần phía cổng chợ có các bàn bán rượu, chưa có đồ nhắm chỉ uống xuông. Bạn tôi muốn thưởng thức cái thú uống rượu của người H Mông bèn ngồi xuống bảo bán cho một chén. Ở đây không bán rượu theo chén, ai muốn uống thì phải mua từng cút rượu được đong bằng chai nước ngọt. Thấy vậy một chàng ( Có vẻ người H Mông) ngồi uống rượu với bạn bên cạnh với chai rượu rót ra một chén cho bạn tôi. Bạn tôi cùng cả nhóm nâng ly chúc sức khỏe nhau nhưng rồi bạn tôi chỉ nhấp môi rồi đặt xuống vì rượu nặng quá. Cảm ơn vì chén rượu mời, chúng tôi ra xe cùng đoàn tiếp tục hành trình trở về thành phố Hà giang.
 Đường Hạnh Phúc trung tâm thị trấn Mèo vạc









 8 giờ 20 phút xe rời khỏi thị trấn Mèo Vạc theo tỉnh lộ 176 qua thị trấn Yên Minh rồi đi ra Quản bạ. 10 giờ 20 phút xe dừng tại trạm dừng chân giữa Quản Bạ với Yên Minh ( đang được xây dựng ). Nơi đây có phong cảnh đẹp và đặc biệt có đồi cây lá ngón,một loại lá cây độc mà theo người dân tộc chỉ cần ăn phải vài lá ngón thôi là đã cướp đi mạng sống của một con người rồi.

Trong đồi cây sở có cây lá ngón thân leo mọc tự nhiên
 Sau năm phút dừng nghỉ, đoàn xe lại tiếp tục chạy. 11giờ 50 đoàn xe qua  thị trấn Tam Sơn (trung tâm huyện Quản bạ) rồi leo dốc. 11 giờ 55  đoàn xe dừng ở cổng trời Quản bạ chừng 10 phút .Lúc này trời quang hơn hôm qua vào, nhiều người tranh thủ trèo lên lầu vọng cảnh trên núi sau trạm nghỉ để ngắm cảnh và chụp ảnh Núi đôi cô tiên Quản Bạ. Quả thật "ông trời" khéo vẽ và con người cũng giàu sức "tưởng bở" nên nhìn ngắm thiên nhiên rồi ví nó giống cái này, cái nọ gắn với đời sống thường nhật của con người.



 Thị trấn Tam Sơn, Quản bạ


Cổng trời Quản bạ ( chụp trên ) xe
Vội vã ngắm, vội vã chụp, vội vã ra xe để xe chạy khớp với lịch trình. Tuy vậy, mãi đến 13 giờ 30 đoàn xe mới về đến nhà hàng Bông Lúa trên đường Nguyễn Trãi (nằm dưới cầu trắng, cách trung tâm thành phố 1km).

  Ăn cơm trưa xong, nhân lúc đoàn có người còn  đang ăn và ngồi nghỉ chờ, tôi vội vã  đi loanh quanh, chụp ảnh và hỏi thăm những người dân xung quanh. Bởi trước đây trung đoàn bộ của chúng tôi đóng quân tại đây.( lúc mới chuyển từ Việt lâm lên hồi tháng 2 năm 1979 và nơi này xưa được gọi là tiểu khu đoàn kết). Đây cũng là nơi lần đầu tiên các tiểu đội trưởng chúng tôi thay phiên nhau gác suốt một đêm bên thi hài Bảng để rồi ngày hôm sau chúng tôi đã chôn cất Bảng (người Hà nam thuộc trung đội 2  thông tin hữu tuyến) tại nghĩa trang nơi đây. Nơi  bà mẹ chiến sỹ tiểu khu Đoàn kết ( tôi không nhớ tên) đã khóc thay gia đình Bảng khi hạ huyệt do gia đình Bảng không lên kịp ( Nghe tin sau này Bảng đã được gia đình đưa về quê an táng).
 Nơi đây cũng có 2 cô gái, con em của tiểu khu Đoàn kết đã trở thành em dâu đơn vị theo chồng về xuôi..
Tên tiểu khu Đoàn kết, tiểu khu Việt Trung.... nay không còn nữa. Các con đường cũ và mới mở đã được đặt tên. Cây cầu treo "Thanh niên" đã được thay bằng cây cầu cứng "Yên Biên II".  Ven chân núi Cấm giáp ranh xã Phương Thiện đã mở một con đường to, đẹp mang tên 19/5 nối điểm dưới đầu cầu trắng với đỉnh dốc Mã tim hướng lên cửa khẩu Thanh thủy ( có thể gọi là đường tránh thành phố Hà giang của quốc lộ 2 chăng).



 Núi Cấm nhìn từ cầu Yên Biên II
Ăn,nghỉ ngơi trong vòng 50 phút,14 giờ 20 đoàn xe rời khỏi thành phố Hà giang xuôi về thị trấn Vị xuyên. trên đường về qua cây cầu Mè lối vào xã Phương thiện cũng đã đổi khác. Cây cầu Mè cũ trở nên bé nhỏ già nua trước một cây cầu Mè mới. Cả 2 lần trở lại Vị xuyên tôi đều không thể bố trí được lịch thăm lại nơi này thăm lại nhà cô chú đội trưởng đội 1 (người tày) có 2 cô con gái Tuyền cô Tuyến ( hồi đó đang học cấp 2), nơi đaị đội tôi ở nhờ những ngày đầu tháng 3 năm 1979).


15 giờ xe đến thị trấn Vị xuyên, cả đoàn rẽ vào thăm và thắp hương tri ân hương hồn các liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ nơi đây. Nơi yên nghỉ của gần 2000 liệt sỹ chủ yếu chống quân Trung quốc xâm lược trong những năm từ 1979 đến 1988. Đây cũng là một trong những nội dung chính của chuyến đi do cơ quan bạn tôi tổ chức. Một buổi lễ dâng hương với nghi thức trang trọng diễn ra. Sau lễ dâng hương cả đoàn tỏa ra đi thắp hương cho từng ngôi mộ. Vẫn còn đó những ngôi mộ liệt sỹ vô danh.




 Kỷ niệm chương của 2 sư đoàn 313 và 356  gửi tặng tại nhà quản trang nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên
 Đây là nơi yên nghỉ của các liệt sỹ sư đoàn tôi cùng với các liệt sỹ sư đoàn khác trong cuộc chiến gìn giữ biên cương chống quân Trung quốc xâm lược. Lớp trước, lớp sau chung một chiến hào đã ngã xuống vì sự vẹn toàn của giải biên cương này, của nền độc lập, tự do và vẹn toàn lãnh thổ của đất nước này. Biết nói gì đây, chỉ biết ngàn lần cảm ơn các đồng chí, đồng đội tôi , những người đã ngã xuống vì từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì sự hy sinh của các đồng chí đã cho chúng tôi cuộc sống yên bình ngày hôm nay. Mong các đồng chí sống khôn thác thiêng về phù hộ độ trì cho gia đình, con cháu, cho dân tộc này, cho đất nước này mãi mãi phồn vinh, trường tồn, đời đời bền vững. Rời nghĩa trang liệt sỹ Vị xuyên với bao cảm xúc trong lòng, tôi cùng đoàn trở về Hà nội với lòng tự nhủ : rồi cũng có ngày tôi quay trở lại thắp hương cho các đồng đội  của tôi nơi đây.       
                                                                                                                              HN, 14- 3- 2015