Phần II : TỪ LŨNG CÚ đến MÈO VẠC về HÀ GIANG trở lại HÀ NỘI.
15 giờ 20 phút tôi rời cột cờ Lũng Cú xuống bãi giữ xe nơi điểm đón du khách lên thăm quan . Vào thăm gian hàng bán và giới thiệu sản phẩm địa phương, thật bất ngờ được cầm trên tay những hạt Tam giác mạch để rồi nhớ tới hương vị sản phẩm bánh rán Tam giác mạch vừa thưởng thức trưa nay tại Sà phìn.
Hạt Tam giác mạch
15 giờ 40,đoàn xe bắt đầu rời Lũng cú, qua xã Ma lé hướng về thị trấn Đồng văn. 16 giờ 47 phút xe qua thị trấn Đồng văn mà không dừng lại(thật tiếc không được chơi và thưởng thức cà phê phố cổ Đồng văn như anh bạn đi trước đã dặn lại). Qua thị trấn, xe bắt đầu leo dốc vượt đỉnh Mã pí lèng, một địa danh gai góc mà ngày xưa cả con đường Hạnh Phúc ( từ Hà giang đi Đồng Văn, Mèo Vạc) thi công mất 6 năm( từ 1959 đến 1965) thì riêng nơi đây đã mất 11 tháng. Địa danh này cũng được đặt tên cho một loại rượu đặc sản vùng núi cao này ( Rượu Mã Pí Lèng. Năm 2015 chúng tôi được thưởng thức món quà này do đoàn cán bộ UBND huyện Vị xuyên về tặng nhân gặp mặt các cựu binh sư đoàn tại Hải phòng).
Qua hồ treo Pải Lủng chừng 2 phút, 17 giờ 13 phút đoàn xe dừng lại trạm nghỉ chân trên đỉnh Mã Pí Lèng để ngắm cảnh hùng vĩ của dòng sông Nho Quế và những dãy núi non hiểm trở nơi đây. Mùa này không phải mùa hoa Tam giác mạch nhưng vẫn còn đó biển chỉ dẫn lối xuống ngắm hoa. Nơi đây còn tấm biển ghi tên và giới thiệu về con đường Hạnh Phúc, nơi lưu giữ mô hình mẫu tượng đài để khách du lịch tham quan và chiêm ngưỡng . Ngắm cảnh đẹp hùng vĩ nơi đây bạn tôi nói : Chẳng cần đi đâu xa ra nước ngoài ngắm cảnh làm gì cho tốn tiền. Nếu nơi đây đầu tư du lịch tốt và bài bản thì nhiều nơi ở nước ngoài không đẹp bằng.
sườn núi trồng hoa Tam giác mạch
17 giờ 34 phút, xe rời trạm dừng chân trên đỉnh Mã Pí Lèng xuôi về thị trấn Mèo Vạc. 18 giờ 05 phút, xe đến thị trấn Mèo Vạc và dừng tại nhà nghỉ Mai Đào. Mọi người xuống xe và có hơn một tiếng đồng hồ để nhận phòng, tắm rửa và sửa soạn trước khi đi ăn cơm.
19 giờ 30 phút tối, cả đoàn đi bộ đến nhà nghỉ cộng đồng dân tộc người Lô Lô. Đây là nếp nhà sàn xinh xắn, là nơi sinh hoạt cộng đồng của bản dân tộc người Lô Lô ngay trong huyện lỵ . Ngay cổng vào bản là trường PTTH nội trú huyện Mèo Vạc. Tại đây tôi được thưởng thức lại món mèn mén ăn với canh đậu phụ nấu chua và sau đó được nghe các nghệ nhân và các cô gái mang đậm bản sắc dân tộc người Lô Lô múa hát. Đến 22 giờ, đoàn chia tay với đội văn nghệ bản sở tại về nghỉ để có sức cho hành trình ngày hôm sau.
Điệu nhảy kéo nhị và nhảy sạp dân tộc Lô Lô
6 giờ sáng ngày mùng 6 tháng 3, chẳng ai bảo ai, mọi người đã xuống dưới sảnh làm thủ tục trả phòng (mặc dù có hẹn là 7 giờ mới tập trung để xe đưa mọi người đi ăn sáng). Tranh thủ lúc chờ đợi, từng nhóm bảo nhau ra chợ trung tâm thị trấn xem có gì mua không ( ở phố ngay sau nơi đoàn ở). Lúc này còn sớm, chợ chưa đông, hàng hóa mới đang được bày ra. Đi một lúc mọi người lại tụ về nhà nghỉ để đi ăn sáng. Ăn xong để chiều theo yêu cầu của nhiều chị em, trưởng đoàn quyết định cho mọi người thêm 40 phút để đi chợ. Lúc này chợ đã đông, ngoài đường ven chợ mọi người đã chen nhau. Chỗ thì bán gùi, nơi bán rau, củ , quả, nơi bán gia cầm gia súc, nơi bán nông cụ ( lưỡi cày, bình phun thuốc trừ sâu...) hàng hóa điện tử hàng Trung quốc......nhưng ấn tượng nhất vẫn là nơi bán rượu. Ở đây các can rượu 20 lít được xếp thành dãy và chủ yếu do chị em bán. Nếu chỉ uống thử mỗi can một chút rượu của mỗi người bán hàng thôi thì có lẽ các con "sâu rượu" cũng đã ngà ngà say mất rồi. Gần phía cổng chợ có các bàn bán rượu, chưa có đồ nhắm chỉ uống xuông. Bạn tôi muốn thưởng thức cái thú uống rượu của người H Mông bèn ngồi xuống bảo bán cho một chén. Ở đây không bán rượu theo chén, ai muốn uống thì phải mua từng cút rượu được đong bằng chai nước ngọt. Thấy vậy một chàng ( Có vẻ người H Mông) ngồi uống rượu với bạn bên cạnh với chai rượu rót ra một chén cho bạn tôi. Bạn tôi cùng cả nhóm nâng ly chúc sức khỏe nhau nhưng rồi bạn tôi chỉ nhấp môi rồi đặt xuống vì rượu nặng quá. Cảm ơn vì chén rượu mời, chúng tôi ra xe cùng đoàn tiếp tục hành trình trở về thành phố Hà giang.
Đường Hạnh Phúc trung tâm thị trấn Mèo vạc
8 giờ 20 phút xe rời khỏi thị trấn Mèo Vạc theo tỉnh lộ 176 qua thị trấn Yên Minh rồi đi ra Quản bạ. 10 giờ 20 phút xe dừng tại trạm dừng chân giữa Quản Bạ với Yên Minh ( đang được xây dựng ). Nơi đây có phong cảnh đẹp và đặc biệt có đồi cây lá ngón,một loại lá cây độc mà theo người dân tộc chỉ cần ăn phải vài lá ngón thôi là đã cướp đi mạng sống của một con người rồi.
Trong đồi cây sở có cây lá ngón thân leo mọc tự nhiên
Sau năm phút dừng nghỉ, đoàn xe lại tiếp tục chạy. 11giờ 50 đoàn xe qua thị trấn Tam Sơn (trung tâm huyện Quản bạ) rồi leo dốc. 11 giờ 55 đoàn xe dừng ở cổng trời Quản bạ chừng 10 phút .Lúc này trời quang hơn hôm qua vào, nhiều người tranh thủ trèo lên lầu vọng cảnh trên núi sau trạm nghỉ để ngắm cảnh và chụp ảnh Núi đôi cô tiên Quản Bạ. Quả thật "ông trời" khéo vẽ và con người cũng giàu sức "tưởng bở" nên nhìn ngắm thiên nhiên rồi ví nó giống cái này, cái nọ gắn với đời sống thường nhật của con người.
Thị trấn Tam Sơn, Quản bạ
Cổng trời Quản bạ ( chụp trên ) xe
Vội vã ngắm, vội vã chụp, vội vã ra xe để xe chạy khớp với lịch trình. Tuy vậy, mãi đến 13 giờ 30 đoàn xe mới về đến nhà hàng Bông Lúa trên đường Nguyễn Trãi (nằm dưới cầu trắng, cách trung tâm thành phố 1km).
Ăn cơm trưa xong, nhân lúc đoàn có
người còn đang ăn và ngồi nghỉ chờ, tôi vội vã đi loanh quanh, chụp ảnh và hỏi
thăm những người dân xung quanh. Bởi trước đây trung đoàn bộ của chúng
tôi đóng quân tại đây.( lúc mới chuyển từ Việt lâm lên hồi tháng 2 năm
1979 và nơi này xưa được gọi là tiểu khu đoàn kết). Đây cũng là nơi lần đầu
tiên các tiểu đội trưởng chúng tôi thay phiên nhau gác suốt một đêm bên
thi hài Bảng để rồi ngày hôm sau chúng tôi đã chôn cất Bảng (người Hà
nam thuộc trung đội 2 thông tin hữu tuyến) tại nghĩa trang nơi đây.
Nơi bà mẹ chiến sỹ tiểu khu Đoàn kết ( tôi không nhớ tên) đã khóc thay
gia đình Bảng khi hạ huyệt do gia đình Bảng không lên kịp ( Nghe tin sau này Bảng đã được gia đình đưa về quê an táng).
Nơi đây cũng có 2 cô gái, con em của tiểu khu Đoàn kết đã trở thành em dâu đơn vị theo chồng về xuôi..
Tên tiểu khu Đoàn kết, tiểu khu Việt Trung.... nay không còn nữa. Các con đường cũ và mới mở đã được đặt tên. Cây cầu treo "Thanh niên" đã được thay bằng cây cầu cứng "Yên Biên II". Ven chân núi Cấm giáp ranh xã Phương Thiện đã mở một con đường to, đẹp mang tên 19/5 nối điểm dưới đầu cầu trắng với đỉnh dốc Mã tim hướng lên cửa khẩu Thanh thủy ( có thể gọi là đường tránh thành phố Hà giang của quốc lộ 2 chăng).
Núi Cấm nhìn từ cầu Yên Biên II
Ăn,nghỉ ngơi trong vòng 50 phút,14 giờ 20 đoàn xe rời khỏi thành phố Hà giang xuôi về thị trấn Vị xuyên. trên đường về qua cây cầu Mè lối vào xã Phương thiện cũng đã đổi khác. Cây cầu Mè cũ trở nên bé nhỏ già nua trước một cây cầu Mè mới. Cả 2 lần trở lại Vị xuyên tôi đều không thể bố trí được lịch thăm lại nơi này thăm lại nhà cô chú đội trưởng đội 1 (người tày) có 2 cô con gái Tuyền cô Tuyến ( hồi đó đang học cấp 2), nơi đaị đội tôi ở nhờ những ngày đầu tháng 3 năm 1979).
15 giờ xe đến thị trấn Vị xuyên, cả đoàn rẽ vào thăm và thắp hương tri ân hương hồn các liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ nơi đây. Nơi yên nghỉ của gần 2000 liệt sỹ chủ yếu chống quân Trung quốc xâm lược trong những năm từ 1979 đến 1988. Đây cũng là một trong những nội dung chính của chuyến đi do cơ quan bạn tôi tổ chức. Một buổi lễ dâng hương với nghi thức trang trọng diễn ra. Sau lễ dâng hương cả đoàn tỏa ra đi thắp hương cho từng ngôi mộ. Vẫn còn đó những ngôi mộ liệt sỹ vô danh.
Kỷ niệm chương của 2 sư đoàn 313 và 356 gửi tặng tại nhà quản trang nghĩa trang liệt sỹ Vị Xuyên
Đây là nơi yên nghỉ của các liệt sỹ sư đoàn tôi cùng với các liệt sỹ sư đoàn khác trong cuộc chiến gìn giữ biên cương chống quân Trung quốc xâm lược. Lớp trước, lớp sau chung một chiến hào đã ngã xuống vì sự vẹn toàn của giải biên cương này, của nền độc lập, tự do và vẹn toàn lãnh thổ của đất nước này. Biết nói gì đây, chỉ biết ngàn lần cảm ơn các đồng chí, đồng đội tôi , những người đã ngã xuống vì từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chính vì sự hy sinh của các đồng chí đã cho chúng tôi cuộc sống yên bình ngày hôm nay. Mong các đồng chí sống khôn thác thiêng về phù hộ độ trì cho gia đình, con cháu, cho dân tộc này, cho đất nước này mãi mãi phồn vinh, trường tồn, đời đời bền vững. Rời nghĩa trang liệt sỹ Vị xuyên với bao cảm xúc trong lòng, tôi cùng đoàn trở về Hà nội với lòng tự nhủ : rồi cũng có ngày tôi quay trở lại thắp hương cho các đồng đội của tôi nơi đây.
HN, 14- 3- 2015